Vì chủ quan, anh T. để các nốt mày đay lan đến cả bộ phận sinh dục, khiến vợ anh đòi ly hôn khi nghĩ chồng dính bệnh do lăng nhăng.
Biến chứng của bệnh mề đay |
Mày đay là chứng bệnh ngoài da rất phổ biến. Đa số người bệnh chủ quan, không đi khám nên có những trường hợp bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Da liễu Quốc gia, cho biết 20%-25% dân số bị mày đay một vài lần trong đời. Trung bình một ngày, tại khoa Khám bệnh có 10 - 20 bệnh nhân mày đay đến khám. Trong đó, có tới 60% trường hợp mắc bệnh mạn tính là nữ giới.
Suýt mất vợ vì nổi mày đay
Thỉnh thoảng anh T. (Hà Nội) lại bị nổi mẩn và ngứa tay, chân. Nghĩ mình bị dị ứng do thời tiết nên anh không đi khám. Cách đây một tháng, sau chuyến đi công tác, anh lại bị nổi ngứa nhưng đã lan ra toàn thân. Thậm chí, bộ phận sinh dục cũng sưng to và ngứa rát. Khó chịu vì lúc nào cũng ngứa ngáy, anh còn đau khổ vì bị vợ dằn vặt, lảng tránh và đòi ly hôn vì nghi ngờ chồng không chung thủy. Đi khám tại Viện Da liễu quốc gia, bác sĩ cho biết anh bị mày đay do dị ứng với cua đồng. Lúc này, T. mới nhớ trong chuyến công tác, anh đã ăn rất nhiều canh cua đồng.
Một trường hợp khác là chị N. ở Vĩnh Phúc, bị đỏ tấy, khô ráp và ngứa hai tay. Chứng ngứa ngáy kéo dài hàng tháng trời. Bác sĩ cho biết chị bị nổi mày đay nhưng vẫn chưa tìm được nguyên nhân để điều trị triệt để.
Coi chừng biến chứng
Tiến sĩ Trần Lan Anh, Phó khoa Dị ứng, ĐH Y Hà Nội, cho biết mày đay là phản ứng mao mạch của da, gồm hai loại cấp tính và mạn tính. Mày đay cấp tính là phản ứng tức thì, xảy ra trong vòng từ 24h và có thể kéo dài đến 6 tuần, nguyên nhân thường là dị ứng với thuốc (phần lớn là kháng sinh), thực phẩm (sò, trứng, các loại hạt…), ong đốt hoặc do nhiễm trùng (áp xe răng, viêm gan).
Mày đay mạn tính thường gặp nhất ở phụ nữ độ tuổi 40-60, có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm, thường liên quan đến các bệnh lý khác như viêm khớp, viêm đa cơ, ung thư, nhiễm ký sinh trùng… Điều đáng lo ngại là 80%-90% các ca bệnh mày đay mạn tính đều không xác định được nguyên nhân chính xác, nên rất khó khăn trong điều trị. Bệnh tiến triển nặng có thể kèm theo sốt cao, đau quặn bụng, tiêu chảy, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch…
Theo bác sĩ Nguyễn Thành, bệnh có thể gây biến chứng về hô hấp, làm bệnh nhân khó thở, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ngứa ngáy thường xuyên. Bệnh rất dễ chẩn đoán nhưng chỉ điều trị hiệu quả khi tìm đúng nguyên nhân.
Để phòng tránh mày đay, người bệnh cần dừng tất cả các loại thuốc, thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng, hạn chế gãi, chà sát mạnh trên vùng nổi mày đay, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, không làm các việc nặng nhọc, ra quá nhiều mồ hôi.
Khi bị ngứa, rát do nổi mày đay, có thể áp lạnh hoặc tắm lạnh, tuyệt đối tránh tắm nóng. Các trường hợp bị mày đay mạn tính thường liên quan đến các bệnh lý khác nên người bệnh cần được khám chuyên khoa, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét